Kỳ vọng về ĐÔ THỊ XANH khi lên được lên Thành Phố của Long Khánh
Thành phố Long Khánh được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên gần 192 km2, dân số hơn 171 ngàn người và 15 đơn vị hành chính cấp xã của TX.Long Khánh cũ.
Công viên tượng đài chiến thắng của Tp Long Khánh
Sự chuyển mình ấn tượng của Long Khánh
Năm 2014, TX.Long Khánh là một trong 2 đơn vị cấp huyện đầu tiên ở Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2015, TX.Long Khánh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III.
Trong tương lai, TP.Long Khánh được “nhắm” đến với vai trò là một hạt nhân phát triển mới. Quy hoạch vùng TP.Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ chỉ rõ, TP.Long Khánh là cực tăng trưởng trọng điểm phía Đông và sẽ là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, kho vận hàng hóa của vùng. Trong tương lai xa hơn nữa, Long Khánh sẽ tiến đến trở thành đô thị loại II.
Chủ tịch UBND TP.Long Khánh Hồ Văn Nam cho biết, theo kế hoạch ban đầu, đến cuối năm 2020, TX.Long Khánh mới hoàn thành các tiêu chí để được công nhận là thành phố, tuy nhiên địa phương đã hoàn thành trước kế hoạch đề ra hơn 1 năm. Điều này chứng tỏ sự nỗ lực lớn lao của chính quyền, Đảng bộ và nhân dân thành phố qua hàng chục năm phát triển.
Phó chủ tịch UBND TP.Long Khánh Bùi Quốc Thể cho biết, trong những năm qua, Long Khánh đã đạt các chỉ tiêu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 15%/năm, khi mới lên thị xã năm 2004, thu nhập bình quân đầu người của Long Khánh chỉ đạt 8,4 triệu đồng, đến nay đã đạt trên 109 triệu đồng/năm, gấp 13,6 lần. “Đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân trong những năm qua tăng lên đáng kể. Hạ tầng được đầu tư cơ bản từ nội thị đến các xã, khu vực đô thị cũng được tập trung chỉnh trang. Các công trình hạ tầng phục vụ cho giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao… được đầu tư mạnh” - ông Thể chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo UBND TP.Long Khánh, hiện hơn 98% hệ thống đường giao thông nội ô đã được thảm nhựa, bê tông hóa. Mạng lưới điện quốc gia phủ đều các xã, phường phục vụ gần 100% số hộ dân sử dụng điện và khoảng 99% số hộ dùng nước hợp vệ sinh.
TP.Long Khánh nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV
TP.Long Khánh không chỉ dồn lực cho phát triển công nghiệp, dịch vụ ở khu đô thị mà còn chú trọng cả những vùng nông thôn nhằm nâng cao đời sống cho người dân. Cuối năm 2014, Long Khánh là một trong 2 đơn vị đầu tiên của cả nước hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày
16-8-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Không dừng lại ở đó, Long Khánh tiếp tục tập trung đầu tư các nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn. Đến cuối năm 2018, địa phương đã có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 6/9 xã.
Tầm nhìn trong tương lai
Theo đánh giá của các chuyên gia đô thị, TP.Long Khánh có vị trí khá đắc địa, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gần với các đô thị lớn trong vùng như: TP.Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh, TP.Vũng Tàu; đồng thời là nơi có nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm quốc gia đi qua nên thuận lợi để phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội.
Chủ tịch UBND TP.Long Khánh Hồ Văn Nam cho biết, để Long Khánh phát triển đúng hướng và có chiến lược dài hơi, thành phố đã thuê đơn vị tư vấn Nhật Bản thực hiện nghiên cứu đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Long Khánh đến năm 2035, định hướng đến năm 2050. Đơn vị tư vấn cũng đã đề xuất mở rộng đô thị về hướng Nam để tăng tính liên kết với tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và 3 khu vực cửa ngõ tiếp cận giao thông liên vùng là: cửa ngõ Xuân Lập, cửa ngõ Hàng Gòn và cửa ngõ Bàu Sen.
Thành phố Long Khánh nhìn từ trên cao.
Có 4 lĩnh vực phát triển quan trọng được nhà tư vấn đưa ra là: nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và giáo dục. Mục tiêu hướng đến xây dựng Long khánh trở thành một “đô thị xanh” của vùng TP.Hồ Chí Minh. Cũng theo lãnh đạo TP.Long Khánh, phương án xây dựng thành phố sẽ theo hướng mở với dịch vụ thương mại giữ vai trò trọng yếu để thực hiện kết nối vùng.
Về kiến trúc, Long Khánh sẽ phát triển theo hướng bảo tồn cảnh quan đặc trưng, đây là thế mạnh của thành phố. Nhiều người đã so sánh khu vực Suối Tre của TP.Long Khánh là “Đà Lạt miền Đông”.
Với quy hoạch mang một tầm nhìn đầy tham vọng “đô thị xanh” sẽ mở ra một thời kỳ mới cho TP.Long Khánh tương lai. Đến nay TP.Long Khánh cũng đang chủ động trong việc mở rộng đô thị ra vùng ngoại ô để giảm áp lực cho nội ô, một bài toán căn cơ, lâu dài cho mục tiêu hướng đến một thành phố xanh của tương lai.
Tự hào và kỳ vọng
Trong những ngày qua, người dân Long Khánh náo nức hơn bao giờ hết, vì ngoài việc chào mừng lễ công bố TP.Long Khánh vào ngày mai 2-6 do UBND tỉnh tổ chức, còn là những khát khao, mong đợi về một thành phố xứng tầm khu vực trong tương lai.
Bà Trần Thị Phấn ở phường Xuân Bình, chia sẻ: “Ngay khi có thông tin Quốc hội chính thức công nhận TX.Long Khánh trở thành thành phố, tôi rất xúc động và hãnh diện. Về ý thức của người dân, tôi nghĩ sẽ thay đổi, đặc biệt là lớp trẻ, khi đã là “người thành phố” các cháu sẽ phấn đấu hơn. Tôi tin và kỳ vọng ở thế hệ trẻ của TP.Long Khánh sẽ làm rạng danh vùng đất đã nổi tiếng lâu nay”. Cũng theo bà Phấn, nhiều người dân trong phường có chung hy vọng Long Khánh lên thành phố sẽ có những đổi thay tích cực hơn nhờ những đầu tư mạnh từ cơ sở vật chất đến môi trường đô thị.
Bản đồ thể hiện các đơn vị hành chính của Long Khánh khi chính thức lên thành phố.
Là người dân ở phường Xuân Trung, ông Lê An cũng bày tỏ niềm tự hào khi Long Khánh được công nhận là thành phố. Ông An kể, sau chiến tranh, Long Khánh bị bom đạn tàn phá, cuộc sống người dân rất khó khăn, chính quyền và nhân dân nơi đây đã nỗ lực xây dựng quê hương Long Khánh không ngừng phát triển. “TP.Long Khánh hiện là đô thị loại III và phấn đấu lên đô thị loại II, điều kiện để Long Khánh phát triển là rất thuận lợi. Đời sống người dân những năm gần đây thay đổi rất nhiều” - ông An nói.
Không chỉ đối với người dân trong nội ô mà những cư dân ở các phường mới cũng xúc động không kém. Ông Nguyễn Văn Toàn ở phường Suối Tre cho hay, từ khi Quốc hội biểu quyết để Long Khánh lên thành phố, người dân trong xã (nay là phường) luôn quan tâm về những thay đổi trong thời gian tới. Ông Toàn bộc bạch: “Có rất nhiều thứ như thủ tục hành chính liên quan đến người dân phải thay đổi, điều kiện sống cũng sẽ thay đổi theo, ví dụ như yêu cầu về môi trường, mức sống, an sinh xã hội, an ninh trật tự và trên hết, chúng tôi mong chờ Long Khánh sẽ có được một diện mạo đô thị xứng tầm trong tương lai”.
Long Khánh là địa danh nổi tiếng đã xuất hiện từ thời nhà Nguyễn. Qua nhiều lần tách nhập, năm 1991 sau khi tách ra khỏi huyện Xuân Lộc (cũ), Long Khánh trở thành tên gọi của một huyện bao gồm cả Long Khánh, Cẩm Mỹ và một phần huyện Thống Nhất ngày nay. Năm 2003, huyện Long Khánh được giải thể để tách thành TX.Long Khánh và huyện Cẩm Mỹ.
Tháng 8-2003, TX.Long Khánh được thành lập theo Nghị định 97 của Thủ tướng Chính phủ với 15 đơn vị hành chính. Năm 2015, TX.Long Khánh được công nhận là đô thị loại III và đúng 4 năm sau, ngày 10-4 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Long Khánh là thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Nai từ ngày 1-6-2019, trước 1 năm so với kế hoạch phấn đấu của địa phương.
Nguồn: Khắc Giới - baodongnai