Hấp lực đầu tư và bài toán lành mạnh hóa thị trường của bất động sản Quy Nhơn
Hạ tầng đồng bộ, chào đón đầu tư bất động sản
Từ sân bay Phù Cát, xuôi theo tuyến Quốc lộ 19B theo hướng Khu kinh tế Nhơn Hội đi qua những dự án đang khẩn trương thi công, những công trình giao thông kết nối và cả những đô thị đang hiện hữu như minh chứng cho không gian phát triển đô thị Quy Nhơn rộng lớn, bao trùm và lan tỏa về phía Tây Bắc đã được tỉnh Bình Định thực hiện quy hoạch từ nhiều năm trước.
Ngay đầu tuyến dẫn vào Khu kinh tế Nhơn Hội, những dự án bất động sản quy mô theo nhiều phân khúc: biệt thự, villas, đất nền, căn hộ chung cư cao cấp, nhà phố thương mại (shophouse) đã được hoàn thành tạo nên một đô thị khép kín, xanh, hướng biển với kiến trúc hiện đại và cổ điển.
Với lợi thế là thành phố biển, Quy Nhơn đang ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng.
Cây cầu Nhơn Hội bắc qua đầm Thị Nại từng được đánh giá là quy mô và dài nhất Việt Nam nay đã có nguy cơ rơi vào cảnh… chật chội. Những đoàn xe nối nhau di chuyển theo hai chiều chở theo những thiết bị, vật liệu xây dựng; vận chuyển du khách, đưa đón công nhân, đem theo các nhà đầu tư… đang minh chứng cho “sức khỏe” mạnh mẽ và hấp dẫn của bán đảo mang một cái tên mỏng manh và dịu dàng: Phương Mai.
Qua cầu Nhơn Hội, một vùng cát trắng hoang hoải ngày nào đã được thay bằng nhà máy với tường rào bao quanh; biển thông báo công trình và cả những dự án đầu tư đã thành hình hài đang đem lại cho khu kinh tế ven biển này một bộ mặt hoàn toàn mới. Từ Khu kinh tế với những bãi cát dài nhấp nhô, những động cát trắng xóa đến nhức mắt và những công trình khai thác quặng ti-tan nhiều hơn nhà máy sản xuất, thì nay Nhơn Hội đã mọc lên những khu nghỉ dưỡng sang chảnh, sân golf đẳng cấp, quạt gió khổng lồ, điện mặt trời tỏa sáng...
Để có được những thành quả hôm nay, Nhơn Hội đã phải trải qua thời gian dài “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư rầm rộ. Chỉ tiếc là, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu (bắt đầu từ năm 2008) càn quét qua đã “cuốn” theo nhiều nhà đầu tư lớn, nên Nhơn Hội đã có lần lỡ nhịp.
“Trước đây, lãnh đạo tỉnh đi hết hội nghị xúc tiến đầu tư này đến hội nghị khác để năn nỉ đầu tư, nhưng cứ nhắc đến Khu kinh tế Nhơn Hội là các nhà đầu tư… ngó lơ! Bây giờ, ngược lại, đang có xu hướng các nhà đầu tư xếp hàng vào Khu kinh tế Nhơn Hội nhờ hệ thống giao thông kết nối từ sân bay Phù Cát đến Khu kinh tế đang được đầu tư hoàn thiện. Chỉ cần thu hút được các nhà đầu tư “sếu đầu đàn” vào là sẽ kéo theo hàng loạt các nhà đầu tư khác, làm thay đổi hẳn bộ mặt bán đảo Phương Mai”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng, chia sẻ.
Với phương châm “hạ tầng đi trước một bước”, tỉnh Bình Định đang tập trung cho hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm và yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ như tuyến đường phía Tây tỉnh kết nối TP. Quy Nhơn với Dự án Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Becamex - Bình Định; tuyến đường trục nối dài kết nối Khu kinh tế Nhơn Hội với sân bay Phù Cát; tuyến Quốc lộ 19 mới kết nối cảng Quy Nhơn với Quốc lộ 1A; tuyến đường ven biển kết nối Khu du lịch tâm linh chùa Linh Phong đến xã Cát Khánh (Phù Cát)…
Theo ông Hồ Quốc Dũng, việc phát triển hệ thống giao thông kết nối liên hoàn là tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa tỉnh Bình Định. Đặc biệt, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch Khu kinh tế Nhơn Hội đến năm 2040 trở thành khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, mà trọng tâm là phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp, cảng biển, năng lượng tái tạo và thủy sản; đã mở ra cơ hội phát triển mới cho tỉnh. Việc thi công hoàn thành các tuyến đường giao thông sẽ mang đến diện mạo đồng bộ về hạ tầng, góp phần thu hút các nhà đầu tư lớn. Riêng tại Khu kinh tế Nhơn Hội, Bình Định dành trên 3.600 ha cho các khu đô thị và khu du lịch ven biển.
Siết chặt quản lý, định hướng môi giới bất động sản
Hạ tầng được đầu tư đồng bộ, chính sách đầu tư thông thoáng, minh bạch, thân thiện… đã thuyết phục được các tập đoàn lớn đến Bình Định như TMS, Phát Đạt, FLC, DKRA, Hưng Thịnh hay doanh nghiệp địa phương như Kim Cúc Bình Định… Chính sự xuất hiện của những “sếu đầu đàn” này đã đưa thị trường bất động sản Bình Định trở nên thực sự hấp dẫn trong cuộc thiết lập thị trường.
“Giá đất mặt tiền ở nội thành TP. Quy Nhơn vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m2, đặc biệt, các trục đường ven biển như Xuân Diệu, An Dương Vương bình quân hơn 300 triệu đồng/m2, nhưng điều quan trọng là, dù đã tăng mạnh, nhưng giá đất vẫn chưa quá cao như một số thị trường du lịch khác, do đó, lợi nhuận đầu tư vẫn thực sự tiềm năng”, đại diện Phú Tài Land chia sẻ.
Ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định cho biết, để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư cạnh tranh bình đẳng, Bình Định đang lập thủ tục đấu giá, đấu thầu nhiều dự án lớn về bất động sản ở Quy Nhơn, An Nhơn và Tây Sơn, có dự án vốn đầu tư lên đến 2.000 tỷ đồng. “Tuy nhiên, tỉnh cũng kiên quyết “tuýt còi” chủ đầu tư làm ngắn hạn, mua bán dự án, bán sản phẩm khi chưa đủ điều kiện, thậm chí sẽ thu hồi một số dự án nếu thủ tục triển khai không đảm bảo”, ông Bay nhấn mạnh.
Bất động sản sôi động đã tạo ra công ăn việc làm và hình thành phân khúc lao động mới - môi giới bất động sản. Lực lượng lao động này phần nào góp vào tăng trưởng kinh tế, nguồn thu ngân sách cao, nhưng cũng đã bộc lộ những bất cập cần tháo gỡ và kiểm soát chặt chẽ. Tại Hội nghị “Nhận diện môi giới bất động sản” mới đây được tổ chức tại Đà Nẵng, các chuyên gia, nhà môi giới tại Việt Nam cho rằng, nhìn chung, môi giới bất động sản đang “thờ ơ” và bỏ qua những quy định của pháp luật khi hành nghề.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, việc quá nhiều môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề nhưng đã vội vã tham gia thị trường đã tạo ra nhiều hệ lụy bất cập trên thị trường. “Hệ quả là hình ảnh của rất nhiều môi giới chuyên nghiệp cũng bị sai lệch trong con mắt của người dân, trở thành các “cò đất”, ông Đính nhận xét.
Cùng quan điểm, ông Trần Minh Hoàng, Phó tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, hiện nay, hoạt động môi giới bất động sản đan xen giữa các hoạt động chuyên nghiệp và tự phát, nghiệp dư, hỗn độn, phức tạp, nhưng việc hành nghề chui, vi phạm pháp luật chưa được quản lý, kiểm soát.
Trước thực trạng trên, ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, hành lang pháp lý trong lĩnh vực môi giới bất động sản sẽ liên tục được cập nhật và chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn thị trường.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều bất cập như quy định cá nhân không bắt buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được dự thi lấy chứng chỉ môi giới bất động sản. Chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề môi giới khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, bản thân các môi giới bất động sản cũng không coi trọng việc tham gia các khóa đào tạo. Giá trị pháp lý của chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản cần rút ngắn thời hạn còn từ 1-3 năm thay vì 5 năm như hiện tại.
“Hiện nay, cả nước có 33.000 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, khoảng 80% bất động sản giao dịch thành công thông qua môi giới, góp phần không nhỏ trong việc giải phóng một lượng lớn bất động sản tồn kho trong giai đoạn 2014 - 2018, giúp thị trường phát triển ổn định, lành mạnh. Việc cho phép môi giới bất động sản hoạt động với mô hình và quy mô phù hợp sẽ giúp nhà phát triển bất động sản rút ngắn thời gian thu hồi vốn để tái đầu tư, bảo đảm hiệu quả kinh tế, người tiêu dùng có cơ hội được phục vụ tốt hơn”, ông Hưng chia sẻ.
Về phía tỉnh Bình Định, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Cao Thắng, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh, Ủy ban đã giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, địa phương liên quan tăng cường quản lý, thường xuyên theo dõi, kểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư phát triển đô thị, dự án phát triển du lịch và kinh doanh bất động sản, đảm bảo thúc đẩy thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định và lành mạnh.
Hà Minh - baodautu.vn